Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước sức ép của giá xăng dầu, tăng cước vận tải thì dễ mất khách hàng, không tăng thì chịu lỗ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, xăng dầu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải. Việc giá xăng dầu tăng với biên độ mạnh 3 lần liên tiếp từ giữa tháng 3, cộng theo giá điện tăng cao đang gây áp lực mạnh lên các công ty vận tải.
Cụ thể, chỉ trong vòng hơn một tháng, tính đến giữa tháng 5, giá xăng đã tăng tổng cộng khoảng 3.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 19%. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 1/6, giá xăng, dầu giảm nhỏ giọt từ 200 tới gần 400 đồng mỗi lít tuỳ loại.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp vận tải, mức giảm này vẫn chưa thấm vào đâu so với tác động của giá nhiên liệu tăng đối với chi phí họ phải chịu. Kể từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã tănggiá hơn 2.000 đồng mỗi lít. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 3.947 đồng, xăng RON 95 tăng 3.616 đồng, dầu diesel tăng 2.485 đồng và dầu hỏa là 2.040 mỗi lít.
“Nguyên tắc của tính cước vận tải là nếu giá xăng dầu tăng, giảm 10% thì cước vận tải sẽ tăng, giảm 3% – 4% tương ứng. Điều khoản này đã được ghi cụ thể trên hợp đồng với khách hàng”, giám đốc một công ty vận tải có hơn 100 đầu xe tại thị trường miền Bắc cho biết. Đơn vị này cho biết vừa áp dụng nâng giá cước lên 3% từ giữa tháng 4.
|
Giá xăng, dầu tăng là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “đau đầu”.
|
Tuy nhiên, không phải cứ giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp có thể điều chỉnh cước phí vận tải ngay lập tức. Nhiều đơn vị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tăng giá thì dễ mất khách hàng, không tăng thì chịu lỗ do sức ép từ giá xăng dầu lên chi phí đầu vào.
Đại diện một đơn vị vận tải với 60 đầu kéo containers tại thị trường Miền Nam cho biết đang liên tục phải bù lỗ khi giữ nguyên giá trong bối cảnh chi phí xăng, dầu tăng cao. Nếu như trước đây lời được 5 đến 20% trên tổng doanh thu thì nay phải bỏ từ 7 đến 10% doanh thu để bù đắp lỗ.
Giải thích về việc quyết định “cầm cự” thay vì tăng giá, ông cho biết: “Quyết định tăng giá cước không phải ngày một ngày hai là xong mà phải đàm phán với khách hàng, chưa kể phải cân nhắc kỹ vì khách hàng rất dễ hủy hợp đồng, chọn sang bên cung cấp dịch vụ khác rẻ hơn”.
Hiện chi phí logistics tại Việt Nam thuộc loại đắt đỏ trên thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào cuối tháng 3/2019, dịch vụ logistics của Việt Nam chiếm xấp xỉ 21% GDP, cao hơn so với hầu hết các quốc gia trong khối ASEAN. Trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 60% tổng chi phí logistics.
Thực tế, doanh nghiệp Việt cũng đang phải “cõng” chi phí vận tải nội địa rất lớn. Theo một doanh nghiệp vận tải, chi phí cước biển trung bình tuyến Busan, Hàn Quốc – Hải Phòng là 90 USD mỗi cont 40 feet cho quãng đường trên 3.000 km đường biển, trong khi chi phí vận tải cho 120 km tuyến Hải Phòng đến Bắc Ninh, Bắc Giang vào khoảng 160 đến 180 USD mỗi cont 40, tức là gần gấp đôi.
Theo thống kê của WB năm 2016, 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam được vận chuyển bằng đường bộ, dù chi phí qua kênh đường bộ lại không hề rẻ.
Trong hội nghị toàn quốc về logistics tổ chức vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Tổ chức giao thông vận tải hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45% xe khi quay về không chở hàng làm sao chi phí không cao?”.
Cắt giảm chi phí vận tải, đặc biệt là giảm sự phụ thuộc vào giá xăng dầu trong tình trạng biến động liên tục là điều được nhiều doanh nghiệp vận tải và các công ty có nhu cầu vận chuyển hàng hóa quan tâm. Theo đó, giải quyết bài toán “đơn tuyến”, tăng cường vận tải đa thức đang được đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Chính phủ ưu tiên tăng nguồn vốn dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng vận tải đường thủy nội địa trong giai đoạn 2016 – 2020.
Vận tải bằng sà lan giảm 25% chi phí
Một trong số giải pháp thay thế nhằm giảm chi phí giá thành đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là vận chuyển bằng sà lan. Là đơn vị cung cấp phương thức vận tải mới bằng sà lan từ tháng 4/2019, ông Nguyễn Trần Hiếu, Giám đốc Bắc Kỳ Logistics khẳng định: “Vận chuyển hàng hóa bằng sà lan sẽ tiết kiệm được 25% chi phí so với vận tải hoàn toàn bằng đường bộ”.
|
Vận chuyển hàng hóa bằng sà lan có nhiều ưu điểm so với vận tải bằng đường bộ.
|
Vị này dẫn chứng, chi phí vận chuyển hàng nhập, xuất từ cảng biển Hải Phòng tới nhà máy khách hàng hoặc ngược lại từ 3,2 triệu đồng mỗi cont 40 feet đối với trường hợp trả/lấy vỏ Hải Phòng và từ 2,9 triệu đồng mỗi cont 40 feet đối với trường hợp hạ/lấy vỏ từ cảng Tri Phương. Chi phí trên đã bao gồm vận chuyển 2 đầu từ nhà máy đến cảng Tri Phương hoặc các cảng trong khu vực Hải Phòng.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp, vận chuyển container bằng sà lan có ưu điểm chuyên chở được khối lượng lớn. Một sà lan 120 TEU có sức chở 60 container chiều dài 40 feet sẽ tương đương với 60 xe đầu kéo chạy trên đường bộ cùng một thời điểm. Vì vậy, mặc dù cũng sử dụng dầu nhưng dùng sà lan sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với vận chuyển đường bộ.
Việc đi bằng đường sông còn giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trong thời kỳ chi phí, vé cầu đường liên tục tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như QL5, QL18.
Hiện Bắc Kỳ Logistics sở hữu, vận hành Cảng container đường thủy Tri Phương- 2,5 ha tại Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng, tập trung vận chuyển hàng container xuất nhập khẩu giữa Hải Phòng và 5 tỉnh trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc). Hiện công suất khai thác cảng dự kiến khoảng 150,000- 160,000 TEU/năm và sẽ tiếp tục nâng công suất lên thông qua việc tiếp tục đóng mới thêm sà lan.
Với thời gian vận chuyển 10- 11h và đồng thời vận hành 4 sà lan, đại diện Bắc Kỳ Logistics cho biết đảm bảo lịch sà lan cố định rời cảng Tri Phương, Bắc Ninh, Hải Phòng lúc 9h tối hàng ngày và trả hàng ngày hôm sau. Ngoài ra, công ty sẵn sàng đáp ứng mọi dịch vụ kèm theo như khai báo Hải quan, cho thuê kho…
Đại diện Bắc Kỳ Logistics khẳng định, vận chuyển bằng sà lan là lựa chọn tiết kiệm cho nhiều doanh nghiệp trong thời điểm giá xăng dầu đang biến động khó lường như hiện nay.